Dồn lực khắc phục hậu quả cơn bão số 3 Yagi, ổn định đời sống nhân dân vùng ảnh hưởng
Trong tuần từ ngày 9/9 đến ngày 15/9, cả nước hướng về vùng lũ miền Bắc, chung tay khắc phục thiệt hại hậu quả cơn bão số 3 Yagi gây ra, sẻ chia những mất mát, khó khăn của đồng bào, góp sức giúp nhân dân các địa phương vùng bị ảnh hưởng sớm ổn định đời sống, khôi phục sản xuất, kinh doanh...
Bão số 3 gây hậu quả nặng nề cho các địa phương
Tính đến nay, công tác khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở do cơn bão số 3 Yagi gây ra tại các tỉnh miền Bắc đã bước sang ngày thứ 7. Theo dự báo của Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, sạt lở, ngập lụt vẫn có thể diễn ra tại nhiều địa phương.
Diện tích lúa bị ngập lụt do ảnh hưởng của bão số 3. Ảnh: Phương Anh/TTXVN
Đến ngày 15/9, bão số 3 đã khiến 353 người chết, mất tích; khoảng 1.900 người bị thương và tác động sang chấn tâm lý nặng nề cho nhiều người dân tại khu vực thiên tai.
Ước tính chưa đầy đủ, thiệt hại về tài sản do bão số 3 gây ra khoảng 40.000 tỷ đồng, trong đó, khoảng 257.000 căn nhà, 1.300 trường học và nhiều công trình hạ tầng bị sập đổ, hư hại; 305 sự cố đê điều, chủ yếu là các tuyến đê lớn từ cấp 3 trở lên; trên 262.000 ha lúa, hoa màu, cây ăn quả bị ngập úng, thiệt hại, gẫy đổ; 2.250 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi; gần 2,3 triệu gia súc, gia cầm bị chết và gần 310.000 cây xanh đô thị gãy đổ…
Công tác khắc phục hậu quả do bão số 3 và hoàn lưu bão gây ra vẫn đang được các địa phương tập trung triển khai tích cực, trong đó đặc biệt quan tâm đến công tác tìm kiếm người mất tích, ổn định cuộc sống của nhân dân.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm kiểm tra công tác phòng chống lụt bão và thăm hỏi nhân dân vùng ảnh hưởng tại Tuyên Quang, Phú Thọ
Trong tuần, ngày 12/9, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Đoàn công tác kiểm tra công tác phòng chống lụt bão và thăm hỏi, động viên nhân dân vùng ảnh hưởng tại các địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất của tỉnh Tuyên Quang và tỉnh Phú Thọ.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm kiểm tra công tác củng cố, khắc phục sự cố một số điểm xung yếu ở đê sông Lô, xã Trường Sinh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN
Tới thăm hỏi người dân đang được sơ tán tại các địa phương, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chia sẻ sâu sắc với người dân đang phải chịu ảnh hưởng do bão lũ gây ra, mong muốn người dân tiếp tục đoàn kết hỗ trợ nhau vượt qua khó khăn. Đảng, Nhà nước sẽ nỗ lực hết sức để sớm đưa cuộc sống của người dân trở lại bình thường. Đối với những vùng còn ngập hoặc khó tiếp cận với người dân đang bị cô lập, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu lãnh đạo các tỉnh và các lực lượng triển khai đồng bộ quyết liệt mọi giải pháp từ phòng ngừa đến cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ; triển khai nhanh nhất các biện pháp để đưa nhu yếu phẩm đến cho người dân và chú trọng bảo đảm an toàn cho lực lượng tham gia cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ.
Thống kê của các địa phương bước đầu xác định, bão lũ đã gây thiệt hại về tài sản tại tỉnh Tuyên Quang ước tính khoảng trên 500 tỷ đồng, tại tỉnh Phú Thọ khoảng 250 tỷ đồng. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chia buồn sâu sắc đến các gia đình có thân nhân mất do bão lũ; gửi lời cảm thông và chia sẻ sâu sắc với những khó khăn, mất mát của nhân dân vùng bị ảnh hưởng của bão lũ; đồng thời khẳng định, Bộ Chính trị đã họp, chỉ đạo toàn hệ thống chính trị tập trung thực hiện các biện pháp bảo đảm 5 mục tiêu: Tập trung cao độ cứu người, tìm kiếm người mất tích, lo hậu sự cho người xấu số; không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu chỗ ở, không để học sinh thiếu lớp, thiếu trường, không để người bệnh không có nơi khám chữa bệnh; khắc phục các sự cố về điện nước, viễn thông, sớm khôi phục sản xuất kinh doanh và ổn định đời sống xã hội; thống kê thiệt hại để có giải pháp khắc phục kịp thời; ứng phó hậu quả hoàn lưu bão như lũ ống, lũ quét, sạt lở, sụt lún…
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh, không chỉ với Tuyên Quang, Phú Thọ, mà với cả các tỉnh phía Bắc bị ảnh hưởng của bão cần xác định “cứu dân là ưu tiên cao nhất”, “sức mạnh lực lượng vũ trang là nòng cốt” để triển khai đồng bộ, quyết liệt mọi biện pháp từ phòng ngừa đến cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết
Ngày 12/9, sau khi thị sát, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả bão lũ ở tỉnh Yên Bái, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tới thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai, nơi sạt lở vùi lấp 37 hộ, khiến 95 người chết và mất tích để thị sát, trực tiếp chỉ đạo công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn các nạn nhân và thăm hỏi, động viên nhân dân, gia đình nạn nhân.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ, động viên nhân dân, gia đình nạn nhân. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Trực tiếp lội xuống đầm lầy, động viên lực lượng đang tìm kiếm người bị mất tích do lũ cuốn, Thủ tướng Chính phủ đề nghị bố trí thêm lực lượng, phương tiện, kể cả sử dụng chó nghiệp vụ, thay đổi phương pháp, tranh thủ thời gian sớm tìm kiếm người mất tích. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chia buồn sâu sâu sắc với các gia đình có người thân thiệt mạng, mất tích, bị thiệt về tài sản, động viên các gia đình vượt qua đau thương, mất mát. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành phối hợp với tỉnh Lào Cai tổ chức vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, khôi phục lại giao thông, với tinh thần “Trung ương lo Quốc lộ, tỉnh lo tỉnh lộ, huyện lo huyện lộ, xã lo đường thôn, xã”; khẩn trương khôi phục trường lớp, đón học sinh đến trường trở lại.
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu tỉnh Lào Cai nghiên cứu quy hoạch, bố trí quỹ đất, hỗ trợ chỗ ở cho người dân, riêng với người dân Làng Nủ phải hoàn thành trước ngày 31/12/2024; đồng thời, lo công ăn, việc làm, sinh kế, bố trí đất sản xuất để người dân sớm ổn định cuộc sống. Trên tinh thần đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành chung tay chia sẻ, hỗ trợ với tinh thần “đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trước hết, trên hết” và quyết định chi 150 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ Lào Cai khắc phục hậu quả bão lũ.
Tái thiết sau bão số 3: Đồng hành lúc dân cần, khi dân khó
Trước, trong và sau bão số 3, Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp, lực lượng vũ trang và nhân dân cả nước đã triển khai mạnh mẽ, đồng bộ nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu thiệt hại do bão lũ gây ra.
Chuyển hàng cứu trợ từ trực thăng xuống vùng lũ thuộc huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Ảnh: Thông tấn Quân sự/TTXVN
Thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, cũng như các Công điện và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, lực lượng Công an nhân dân đã thể hiện tinh thần “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”. Trong bão lũ, hơn 150.000 lượt cán bộ, chiến sĩ công an, cùng hàng chục nghìn trang thiết bị, phương tiện hỗ trợ nhân dân trong công tác phòng chống, ứng phó, cứu nạn, cứu hộ và khắc phục thiệt hại; hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an, đoàn viên, thanh niên, cộng đồng dân cư kịp thời giúp đỡ, sơ tán, cứu hộ, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân; quân đội đã huy động hàng trăm nghìn cán bộ, chiến sĩ, hơn 10.100 phương tiện các loại, hơn 400 xe đặc chủng, hàng nghìn ô tô, tàu thuyền và 6 máy bay trực thăng… kiểm đếm, hướng dẫn sắp xếp neo đậu tàu, thuyền tại nơi tránh trú an toàn, xử lý kịp thời tình huống có thể xảy ra…
Phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái, “Thương người như thể thương thân”, "Lá lành đùm lá rách", Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước quyên góp, ủng hộ, đến 17 giờ ngày 14/9, số tiền ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 lên tới 1.001 tỷ đồng, để kịp thời trao đến tận tay người dân có hoàn cảnh khó khăn trong vùng lũ, sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống…
Tại nhiều địa phương bị ảnh hưởng bão lũ, các đoàn công tác của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành vẫn đang tiếp tục đến chia sẻ với những khó khăn, động viên nhân dân; đồng thời, chỉ đạo khắc phục hậu quả thiên tai; triển khai đồng bộ, quyết liệt mọi giải pháp từ phòng ngừa đến cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ; triển khai nhanh nhất các biện pháp để đưa nhu yếu phẩm đến cho người dân và chú trọng bảo đảm an toàn cho lực lượng tham gia cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ... Rất nhiều cá nhân, tập thể đã và đang quyên góp thực phẩm, quần áo, đồ dùng, ủng hộ tiền mặt... Nhiều đoàn xe hướng về các địa phương bị ảnh hưởng bởi bão lũ, tinh thần tương thân, tương ái, tình đồng chí, nghĩa đồng bào hơn lúc nào hết lại được thắp sáng trong những lúc gian khó…
Công khai, minh bạch việc tiếp nhận, sử dụng kinh phí ủng hộ bão lũ tạo niềm tin trong nhân dân
Đến 17 giờ ngày 13/9/2024, các tổ chức, cá nhân đã chuyển về tài khoản của Ban Vận động Cứu trợ Trung ương 775,5 tỷ đồng để ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do ảnh hưởng của bão số 3. Ban Vận động Cứu trợ Trung ương đã có quyết định phân bổ và làm thủ tục chuyển tiền đến Ban Cứu trợ các địa phương đợt một là 388,5 tỷ đồng. Số kinh phí còn lại, Ban Vận động cứu trợ Trung ương tiếp tục rà soát để phân bổ sớm nhất đến với các địa phương ở vùng bị thiệt hại do bão lũ.
Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến tiếp nhận bảng tượng trưng số tiền từ các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Ảnh: Minh Đức/TTXVN
Ban Vận động Cứu trợ Trung ương đã công bố bước đầu hơn 12.000 bản sao kê danh sách các tổ chức, cá nhân ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do cơn bão số 3, qua tài khoản ngân hàng của Vietcombank từ ngày 1/9 đến ngày 10/9/2024 và hơn 2.000 bản sao kê qua số tài khoản Vietinbank từ ngày 10/9 đến ngày 12/9/2024 để xã hội và nhân dân cùng giám sát. Với tinh thần công khai, minh bạch, Ban Cứu trợ Trung ương đang tiếp tục cập nhật và sẽ tiếp tục công bố bản sao kê danh sách chuyển khoản qua các ngân hàng và ủng hộ trực tiếp bằng tiền mặt của các đơn vị, tổ chức, cá nhân tại Cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Trân trọng cảm ơn những tấm lòng, sự sẻ chia quý giá của các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến cam kết, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Vận động Cứu trợ Trung ương sẽ sử dụng kinh phí ủng hộ đúng mục đích, có hiệu quả, phân bổ kịp thời, công khai, minh bạch, theo đúng quy định của pháp luật, để số tiền tiếp nhận đến nhanh nhất với người dân các tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề bởi bão lũ.